Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Sở Lao động-Thương binh-Xã hội) vừa công bố dự báo nhu cầu nhân lực của 6 ngành công nghiệp quan trọng tại TP HCM trong giai đoạn 2022-2026.
Trong đó, nhận định dệt may và giày da, cơ quan này cho rằng đây là 2 ngành thâm dụng lao động, thu hút một lượng lớn lao động có tay nghề. Theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2022-2026, ngành công nghiệp dệt may - giày da được phân bổ 7 khu vực, trong đó phía Nam gồm 2 khu vực: vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng Sông Cửu Long với TP HCM là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may.
Nhà nước sẽ xây dựng một số khu công nghiệp ngành dệt may đồng bộ bao gồm chuỗi sợi- dệt- nhuộm, hoàn tất vải- may mặc, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh giữa sản xuất sợi, vải, may và sản xuất nguyên, phụ liệu; ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện có tốt nhất, có quy trình sản xuất đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất dệt may bền vững, tuần hoàn; tạo hành lang pháp lý và các điều kiện để ngành dệt may phát triển đúng tầm.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM tính toán, lao động làm việc trong ngành dệt may - giày da giai đoạn 2022 - 2026 là từ 394.609 - 437.584 lao động, với tốc độ tăng bình quân 2,62%/ năm.
Ứng dụng mô hình ARIMA (1,1,1) để dự báo nhu cầu nhân lực ngành Dệt may - Giày da giai đoạn 2022 – 2026, trên cơ sở dữ liệu nhu cầu nhân lực ngành dệt may - giày da giai đoạn 2010 – 2021, Trung tâm Dự báo cho biết trong khoảng thời gian 2022-2026, bình quân mỗi năm ngành dệt may - giày da cần khoảng 20.857 - 21.986 số chỗ làm việc, chiếm khoảng 7% tổng nhu cầu nhân lực.
Còn khi ứng dụng mô hình ARIMA (0,1,0) để dự báo nhu cầu nhân lực ngành dệt may - giày da theo trình độ chuyên môn kỹ thuật giai đoạn 2022 – 2026, hai ngành này cần khoảng 14.270 - 15.287 chỗ làm việc, chiếm 69,97% tổng nhu cầu nhân lực ngành dệt may - giày da.
Trong đó, trình độ sơ cấp cần 9.506 - 10.337 chỗ làm việc, chiếm 47,61%; trung cấp cần 2.527 - 2.606 chỗ làm việc, chiếm 11,37%; cao đẳng cần 1.585 - 1.685 chỗ làm việc, chiếm 7,98%; đại học trở lên cần 652 - 659 chỗ làm việc, chiếm 3,01%. Còn trình độ chưa qua đào tạo cần 6.587 - 6699 chỗ làm việc, chiếm 30,03%.
Ngành may mặc những năm trước khi xảy ra dịch bệnh đã bị ảnh hưởng về nguồn cung lao động do phải cạnh tranh với các ngành khác từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là ở thành phố lớn như TP HCM và các tỉnh phía Nam thì tình hình người lao động trong ngành này chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác được thể hiện rõ hơn.
Tình hình dịch bệnh vừa qua một bộ phận người lao động làm việc trong ngành may mặc về quê không trở lại hoặc làm việc tại các nhà xưởng ở quê nhà do các doanh nghiệp may mặc chuyển đến cũng khiến các doanh nghiệp may mặc ở TP HCM thêm khó khăn.
(Theo THU TRANG - Tạp chí điện tử Mekong Asean ).