0908.567.627
Hotline

0908.567.627

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu da giày tăng trưởng khá. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm ngành đối mặt với nhiều nỗi lo như: nguồn cung nguyên phụ liệu đang thiếu và gián đoạn, lao động khan hiếm, thiếu thông tin từ các thị trường....

Tăng trưởng 15,1%

Hiệp hội Da giày -  Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, 7 tháng năm nay,  kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng trưởng 15,1%, đạt trên 14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 11,79 tỷ USD (tăng 13,3%) và vali, túi, cặp đạt 2,02 tỷ USD (tăng 20%) so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm 79,56%, tương đương 10,99 tỷ USD. Chỉ số sử dụng lao động của ngành thời điểm tháng 7 cũng tăng 1,1% so với cùng kỳ tháng trước và tăng mạnh 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tốp 5 thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đó, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch trên 6 tỷ USD, Bỉ đứng thứ 2 với 866,6 triệu USD, Trung Quốc đứng thứ 3 với 863,2 triệu USD.

Đáng chú ý, ở các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước ta, xuất khẩu giày, dép tiếp tục phục hồi tích cực. Đơn cử, xuất khẩu sang khối thị trường thành viên của EVFTA tăng 18,2%; CPTPP tăng 10,5% và UKVFTA tăng 10,9%.

Riêng thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do vẫn ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine nên mức tăng trưởng sụt giảm rất mạnh (-57,7%). Khu vực ASEAN tiếp tục giảm nhẹ (-1,7%).

Theo đánh giá của LEFASO, mức tăng trưởng hiện nay khá tốt, nhưng trong những tháng cuối năm xuất khẩu da giày được dự báo có rất nhiều thách thức.

Xuất khẩu da giày đối mặt với nhiều khó khăn trong nửa cuối năm
Xuất khẩu da giày đối mặt với nhiều khó khăn trong nửa cuối năm

Tình hình chung vẫn chưa khả quan

Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng Nguyễn Văn Lê cho biết tình hình chung của doanh nghiệp vẫn chưa khả quan. Các đơn hàng vẫn ít, nhỏ lẻ do lượng tồn kho ở các chi nhánh lớn khiến sức mua chậm. Bên cạnh đó là ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, giá dầu tăng, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Về nội tại, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng như lương, chi phí vận chuyển, nguyên liệu. Nguồn lao động cũng thiếu hụt và khó tuyển dụng. Những yếu tố này đều ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Nhà máy Pou Yuen Việt Nam, một trong những doanh nghiệp gia công giày đông công nhân nhất tại TP. Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng thiếu lao động. Sau dịch Covid-19, công ty chỉ lấp đầy được 65% trong số 8.800 lao động cần tuyển; khâu tuyển dụng rất khó khăn.

Theo Tổng Thư ký LEFASO Phan Thị Thanh Xuân, Việt Nam có lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng chưa tận dụng được tối đa. Khó khăn nữa là mới đây Đức ban hành đạo luật về nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, áp dụng từ 1.1.2023. Khi đó sẽ tác động rất mạnh đến chuỗi sản xuất của ngành khi xuất khẩu vào EU. Các đơn hàng của ngành từ đây đến quý I.2023 sẽ bị chững lại.

Trong bối cảnh đó, LEFASO đề xuất, để sản phẩm da giày có sức cạnh tranh phải nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt là chất lượng. Cùng với đó, muốn giá trị xuất khẩu tăng cao thì phải bảo đảm được nguồn nguyên liệu, kiến nghị các cơ quan quản lý sớm phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, sản xuất xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng mới.

Muốn tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phải đa dạng hóa thị trường, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Do đó, vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần được nâng cao để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, cung cấp thông tin về các thị trường nhanh chóng. Riêng về vấn đề lao động, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường lực lượng lao động qua đào tạo, tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm công nhân.