Giày dép của Việt Nam có thị trường rộng lớn, đã hiện diện ở 44 thị trường chủ yếu. Kim ngạch xuất khẩu giày dép 4 tháng đầu năm nay ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021 và khiến triển vọng đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn năm 21 tỷ USD dần khả thi. Tuy nhiên hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu.
Với mỗi đôi giày, từ da giày, đế giày, lót giày, các phần này đều được sản xuất hoàn toàn 100% tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những chi tiết trang trí, hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được và còn đang phải nhập khẩu. Từ nay đến năm 2025, ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho ngành da giày đang đặt mục tiêu sẽ sản xuất nội địa hóa từ 75 - 80% các nguyên liệu của ngành da giày.
Khi nguyên phụ liệu còn phải nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ đối mặt với những khó khăn như: chi phí vận tải tăng, thời gian nhập khẩu làm chậm tiến độ sản xuất, phụ thuộc vào nhà cung ứng. Do đó, một số công ty đã khai thác nguyên phụ liệu nội địa.
"Đến hiện tại, chúng tôi đã khai thác cơ bản đến 80 - 85% nguyên liệu sản xuất trong nước. Chúng tôi có công ty trong hệ thống cung cấp vải bạt và hợp tác với các đơn vị cung ứng, khoảng trên 30 công ty nguyên phụ liệu", ông Phạm Ngọc Hiền, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, cho biết.
Một số công ty đang phụ thuộc tỷ lệ lớn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ châu Âu và cũng đang hướng đến gia tăng nguồn cung nội địa.
"Trong nước những năm gần đây đã có một số nhà đầu tư đã đầu tư vào nguyên phụ liệu. Chúng tôi đang hướng đến sẽ sử dụng ít nhất 30% nguyên liệu trong nước và mong muốn tỷ lệ nội địa hóa càng ngày càng nhiều lên", ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Tập đoàn Giovanni, chia sẻ.
Theo Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam, quý 1, dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm nhẹ, ví dụ nhập khẩu da thuộc chỉ tăng 1,4%. Việc nội địa hóa nguyên phụ liệu đang ngày càng tốt hơn.
"10 năm trước đây, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày chỉ đạt 40%, hiện mức trung bình tăng lên 55%, cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao, chúng ta chủ động 70 - 80%, giày vải chủ động gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước", bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), đánh giá.
Tuy nhiên, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cũng chỉ ra rằng, thời gian sắp tới, ngành da giày Việt Nam tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao.
Theo Trịnh Huyền
VTV.VN