0908.567.627
Hotline

0908.567.627

Sau năm 2021 GDP thế giới ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid (5,8%) nhờ việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, khôi phục giao thương kinh tế thì sang năm 2022, kinh tế thế giới lại chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh quân sự giữa Nga – Ukraine dẫn tới giá nguyên-nhiên liệu và lạm phát tăng cao. Ngoài ra việc Trung Quốc tiến hành các biện pháp phong tỏa phòng dịch gây ra tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đã khiến dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 giảm ở mức 3,2%.

Tốc độ tăng trưởng GDP của các nước xuất khẩu nhiều sản phẩm da giày đa số đều dự báo giảm trong năm 2022, nhưng Việt Nam nổi lên là điểm sáng khi dự báo GDP năm 2022 được đánh giá ở mức tăng trưởng khá tốt (6%) theo World Bank.  

FDI thế giới đang có xu hướng giảm từ năm 2017 đến 2021. Năm 2021 dòng vốn FDI toàn cầu ghi nhận mức tăng 30% so với năm 2020. Tuy nhiên bước sang năm 2022 mặc dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, thị trường kinh tế toàn cầu đã mở cửa hơn rất nhiều nhưng vốn FDI toàn cầu lại được dự đoán sẽ khá ảm đạm so với năm 2021 do sự không chắc chắn của nhà đầu tư và rủi ro đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng cộng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Dự báo vốn FDI toàn cầu năm nay có thể đi ngang hoặc theo chiều hướng đi xuống so với năm 2021.

Các yếu tố tác động tới đầu tư ngành da giày Việt Nam

Da giày là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động, do đó lực lượng lao động luôn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi lao động ngành này đang dần dịch chuyển sang các ngành nghề khác có cơ cấu thu nhập cao hơn hoặc chuyển hẳn sang loại hình lao động khác, hoặc trở về quê. Trong khảo sát của Tổng Cục Thống Kê (GSO) với các doanh nghiệp sản xuất ngành da giày, thì yếu tố thiếu hụt lao động chiếm tỉ lệ tới 44.6%.

Việt Nam đã ký kết 15 FTAs trong đó có nhiều đối tác quan trọng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Anh và 2 hiệp định đang trong quá trình đàm phán với Isarel và khối EFTA. Cơ hội của ngành da giày Việt Nam khi ký các hiệp định này là gia tăng thị phần, lợi nhuận và mở rộng thị trường. Với những hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước trên thế giới, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi lớn khi mức thuế xuất giảm mạnh từ 3.5-57,4% xuống 0%, mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn cho ngành da giày.

Máy móc ngành da giày chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (hơn 90% giá trị máy móc nhập khẩu). Bên cạnh đó hàng năm vẫn duy trì lượng máy móc nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng với giá trị ít hơn rất nhiều. Ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất máy móc dành riêng ngành da giày vẫn chưa quá phát triển, các loại máy trọng yếu vẫn phải nhập khẩu nhiều.

Hiện trạng và xu hướng phẩn bổ chuỗi cung ứng đầu tư ngành da giày

Đầu tư FDI vào ngành da giày đang có xu hướng giảm, trong đó miền Nam là khu vực trọng điểm đầu tư

Từ năm 2013 đến nay, miền Nam thu hút hầu hết các dự án FDI cấp mới ngành da giày (với hơn 75% vốn đăng ký đầu tư và hơn 65% số lượng dự án tập trung tại khu vực này). Tiếp theo là Miền Bắc cũng thu hút được một lượng nhất định vốn đăng ký đầu tư ngành da giày (24%). Trong khi đó ở Miền Trung hầu như chưa phát triển và thu hút được nhiều dự án, vốn đăng ký đang giảm dần theo từng năm.

Bình Dương, Long An và Đồng Nai là 3 tỉnh thành thu hút nhiều dự án trong ngành nhất. Trong đó Bình Dương đang là tỉnh dẫn đầu về số lượng dự án, Đồng Nai chỉ đứng thứ 3 nhưng lại thu hút nhiều vốn đầu tư nhất. Long An đứng thứ 2 về số lượng dự án nhưng vốn đầu tư vào Long An lại chỉ bằng một nửa Đồng Nai. Điều này cho thấy các Chủ đầu tư lớn đang đầu tư vào khu vực Đồng Nai khá nhiều, điều này cũng giúp thu hút các dự án liên quan đầu tư vào các khu vực lân cận nhiều hơn.

Tại miền Bắc, Hải Dương, Hải Phòng và Nình Bình là những thủ phủ thu hút vốn đầu tư FDI cấp mới ngành dệt may. Tuy nhiên tại miền Bắc vẫn chưa có sự co cụm đầu tư ngành da giày, chủ yếu là thu hút đầu tư một vài Chủ đầu tư qui mô lớn. Ở miền Trung tình hình đầu tư dự án có phần lẻ tẻ hơn, nhưng đã bước đầu thu hút đầu tư từ Chủ đầu tư lớn tại Thanh Hóa.

Vốn đầu tư chủ yếu đến từ khu vực Đông Á

Theo dữ liệu của HOUSELINK sau khi kiểm chứng lại nguồn gốc của các nguồn vốn đầu tư vào ngành da giày, chúng tôi nhận thấy nguồn vốn đầu tư chiếm nhiều nhất trong các dự án FDI cấp mới ngành da giày từ năm 2013 đến nay đến từ Đài Loan (hơn 37%), tiếp đó lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Hồng Kông. Sự thay đổi theo các năm của dòng vốn đầu tư này là không quá lớn, thị trường đầu tư ngành da giày vào Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Á này cho thấy sự dịch chuyển dần các dự án trong ngành từ các quốc gia này sang Việt Nam vẫn đang có xu hướng duy trì.   

Chuỗi cung ứng đầu tư ngành gia giầy theo vốn FDI được cấp phép đầu tư

Chuỗi cung ứng mạnh về gia công và nguyên phụ liệu thứ cấp

Trong phần phân tích này, chúng tôi chia chuỗi cung ứng ngành da giày theo 3 mảng công việc: Nguyên phụ liệu (sơ cấp và thứ cấp) – Công nghiệp hỗ trợ (Máy móc, hóa chất,…) – Gia công,

Theo dữ liệu HOUSELINK đã thu thập, kiểm tra và phân tích trong tổng số hơn 600 dự án FDI được cấp phép đầu tư vào ngành da giày từ năm 2013 đến nay thì có khoảng 46% dự án đầu tư có thực hiện giai đoạn sản xuất nguyên phụ liệu, 44% dự án gia công và chỉ khoảng 11% dự án về công nghiệp hỗ trợ. Trong số các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu thì nguyên phụ liệu thứ cấp như đế giày, lót giày, phụ kiện, mũi và mặt giày,…chiếm tỉ trọng lớn. Nguyên phụ liệu sơ cấp như vải, da, nhựa chiếm tỉ lệ ít. Về công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là sản xuất khuôn mẫu và bao bì/nhãn mác. Điều này cho thấy Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành da giày, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam rất đã dạng và đều thu hút những Chủ đầu tư lớn trong từng khâu của chuỗi cung ứng. Đặc biệt chúng tôi nhận thấy các dự án nguyên phụ liệu thứ cấp luôn đi theo dòng chảy của dự án gia công. Khi dự án gia công tăng thì dự án nguyên phụ liệu thứ cấp cũng sẽ vào ngay sau đó. 

Các tỉnh thành miền Nam cơ bản hoàn thiện về chuỗi cung ứng

Miền Nam hình thành chuỗi cung ứng với nhiều dự án qui mô lớn. Đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bộ với quy hoạch của chính phủ về phát triển ngành da giày. Tuy nhiên thay vì các tỉnh được thu hút đầu tư như Tây Ninh trên quy hoạch thì trên thực tế chúng tôi nhận định Long An đang có phần nổi trội hơn.

Chuỗi cung ứng da giày ở tỉnh Bình Dương khá hoàn thiện, đặc biệt mạnh về sản xuất nguyên liệu thứ cấp như: đế giày, lót giày, phụ kiện. Bên cạnh đó, Long An và Đồng Nai cũng có chuỗi cung ứng khá hoàn thiện. Việc này giúp cho những tỉnh thành xung quanh 3 tỉnh này có cơ hội thu hút nhiều dự án hơn trong ngành.

Các dự án da giày ở Miền Bắc chưa có sự tập trung và phân hóa rõ rệt như Miền Nam. Chủ yếu là 1 số dự án rải rác tại các tỉnh thành như Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng. Trong đó tập trung chủ yếu tại Hải Dương.

Các dự án da giầy chuẩn bị hình thành trong tương lai

Dựa trên dữ liệu các dự án công nghiệp có vốn đầu tư từ 2 triệu USD trở lên (tương đương 46 tỷ đồng) với hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) trên nền tảng HOUSELINK trong lĩnh vực da giầy; chúng tôi thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập báo cáo những dự án đang triển khai hoạt động xây dựng và đang thực hiện các bước chuẩn bị (chuẩn bị dự án, thiết kế, chọn thầu). Tất cả các dự án đã được kiểm chứng và xác thực bởi HOUSELINK.

Trên thực tế, có thể thấy các dự án sắp triển khai đa phần tập trung ở miền Nam (chiếm tới gần 67% số lượng dự án chuẩn bị triển khai). 20% dự án chuẩn bị triển khai ở miền Bắc và khoảng 13% dự án chuẩn bị tiến hành ở miền Trung. Có thể thấy thị trường miền Nam tiếp tục là thị trường sôi nổi cho các dự án ngành da giày trong tương lai. Đặc biệt đa số trong đó là các dự án ở giai đoạn chuẩn bị, chưa tiến hành đấu thầu và chưa chọn nhà thầu chính. 

(Theo vietnamconstruction.vn )