L18-11-13, Tầng 18, tòa nhà Vincom Center Đồng Khởi, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1
search
0938.708.719 0908.567.627
Hotline

0938.708.719 0908.567.627

Sản xuất, xuất khẩu tăng

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, tháng 7/2022 sản xuất da giày chỉ tăng nhẹ 3,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất của ngành tăng 15,1% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động của ngành thời điểm tháng 7/2022 cũng tăng 1,1% so với cùng kỳ tháng trước và tăng mạnh 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu của ngành trong nửa đầu năm đã tăng 14,2% so với cùng kỳ, đạt 13,81 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giày dép đạt 11,79 tỷ USD, tăng 13,3%, valy - túi - cặp đạt 2,02 tỷ USD, tăng 20%. Trong số các thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam, Bắc Mỹ vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất với 24,5%, châu Âu 15,7% và Nam Mỹ 10,8%. Kim ngạch xuất khẩu giảm ở khối thị trường châu Á với âm 6% và tiếp tục giảm nhẹ ở châu Đại Dương âm 1,9%.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 6.029,7 triệu USD, Bỉ quay lại là thị trường đứng thứ 2 đạt 866,6 triệu USD, Trung Quốc tụt xuống vị trí đứng thứ 3 với 863,2 triệu USD.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm giày dép của Việt Nam sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do tiếp tục có sự phục hồi tích cực. Trong đó, xuất khẩu sang khối thị trường thành viên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU tăng 18,2%, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tăng 10,5% và thị trường Anh thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh tăng 10,9%.

Ở chiều ngược lại, khối thị trường Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu do vẫn ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine nên mức tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm rất lớn tới âm 57,7%, khu vực ASEAN vẫn tiếp tục giảm nhẹ với âm 1,7%.

5 tháng cuối năm, ngành da giày lo thiếu thông tin thị trường
5 tháng cuối năm, ngành da giày lo thiếu thông tin thị trường

Đánh giá bức tranh toàn cảnh về sản xuất, xuất khẩu của ngành da giày nửa đầu năm 2022, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng khá tốt, đặc biệt đơn hàng xuất khẩu khả quan.

Dù vậy trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn rất lớn khi nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu và gián đoạn. Cộng hưởng với việc thiếu lao động nên kết quả sản xuất kinh doanh của ngành da giày bị ảnh hưởng không nhỏ.

Còn nhiều thách thức

Đánh giá tình hình những tháng cuối năm, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng nhận định ngành còn đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể, do hiện nay lượng tồn kho đối với mặt hàng thời trang nói chung và giày dép nói riêng đang rất lớn. Khảo sát từ các doanh nghiệp và các nhãn hàng cho thấy, từ giờ đến quý I/2023, tình hình đơn hàng sẽ có phần chững lại.

Trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng da giày của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình cả về chất lượng và giá cả. Để cạnh tranh, ngành cần sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn. Muốn vậy, cần nhập khẩu được nguyên liệu có giá trị cao từ các nước.

Ở khía cạnh này, ngành da giày Việt Nam dù đã đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam nhưng chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu. Đặc biệt với EU, thị trường này có nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá trị cao phù hợp để có thể sản xuất sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Việt Nam cũng chưa tận dụng tốt cơ hội để có thể nhập khẩu công nghệ, thiết bị mới trong bối cảnh hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng công nghệ xanh và sạch.

Từ khó khăn đã được chỉ ra, bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị: Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có hiệp định thương mại tự do để tận dụng ưu đãi về thuế. Cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng thông tin: Đức ra đạo luật về nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đạo luật này sẽ tác động rất mạnh đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi xuất khẩu vào thị trường EU. Trong khi đó, doanh nghiệp da giày trong nước hiện mới chỉ nhận được thông tin sẽ áp dụng trong thời gian gần nhất, còn cụ thể triển khai kế hoạch như thế nào, phải đáp ứng những thủ tục gì vẫn chưa rõ thông tin.“Doanh nghiệp rất cần được cung cấp thông tin kịp thời để chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh”, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng mong muốn các thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục quảng bá năng lực, thông tin về những lợi thế của ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là lợi thế từ tham gia các hiệp định thương mại tự do để bạn hàng tiếp tục đặt niềm tin vào ngành.

( Theo Việt Nga - Báo Công Thương).